Vùng đất khô cằn ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk dưới bàn tay các kỹ sư KDI Holdings, trở thành nông trại chuối công nghệ cao, chinh phục các thị trường quốc tế.
Hơn 3 năm trước đây, nhóm chuyên gia nông nghiệp của Tập đoàn KDI Holdings được cử sang Malaysia và Nam Mỹ để tham quan, học tập công nghệ, kinh nghiệm trồng chuối. Rất nhanh sau đó, giống chuối già Cavendish Nam Mỹ được chọn lựa về Việt Nam, trồng tại dự án nông nghiệp công nghệ cao mang tên KDA. Thành lập năm 2018, Công ty Cổ phần KD Green Farm – thành viên của Tập đoàn KDI Holdings đã xây dựng nên “thương hiệu chuối KDA” – dự án nông nghiệp sạch hướng đến phân khúc nông sản cao cấp trong nước cũng như xuất khẩu quốc tế. Nông trại của KDA có diện tích 100ha tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk.
Đứng giữa bạt ngàn chuối xanh của nông trại chuối KDA, nhìn từng buồng chuối to, căng mẩy, các kỹ sư nông nghiệp của KDI Holdings vẫn nhớ như in hình ảnh những ngày đầu thực hiện dự án. Cây chuối con cấy mô được bỏ trong các túi nhỏ, mỗi túi khoảng 10-12 cây con, được nhân giống tại Malaysia, vận chuyển về vườn ươm.
Công nhân của KDA là người dân của buôn làng đã cấy lại cây con vào bầu đất để nuôi trong hơn 2 tháng trước khi mang ra trồng. Khi đủ lớn, cây sẽ được trồng tại khu vườn thiết kế theo ô bàn cờ nhằm thuận tiện cho việc canh tác và thu hoạch sau này. Từ đó, ngày ngày hàng trăm công nhân bón phân, tưới nước, phun thuốc chống sâu, bệnh định kỳ theo khuyến cáo của các chuyên gia đầu ngành về chuối. Với giống chuối già Nam Mỹ, vấn đề lớn nhất của cây là khâu nước tưới. Cán bộ kỹ thuật của Công ty KD Green Farm cho hay, bình quân mỗi 1ha có 2.260 cây sẽ cần khoảng 34m3 nước/ngày/đêm, tưới liên tục trong vòng 6 tháng mùa khô. Tổng lượng nước tưới cho 100ha vào khoảng 612.000m3. Do đó, hầu hết các vườn chuối đều sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.
Đến nay, sau gần 3 năm miệt mài với nắng gió Tây Nguyên, ở nông trại KDA, ngày ngày có những ròng rọc chở những buồng chuối tăm tắp, trĩu nặng, dài gần chạm đất. Trọng lượng bình quân mỗi buồng chuối là 25 kg. Mùa thu hoạch, từng hàng container nối nhau chạy từ kho lạnh ra cảng, chia nhau đi tới Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… khiến cuộc sống ở buôn Krué nhộn nhịp hẳn lên. Tổng giám đốc Tập đoàn KDI Holdings Đỗ Tuấn Anh chia sẻ: ” Chuối được xem là sản vật bình thường trong đời sống của người dân Việt Nam, thậm chí là nông sản giá trị thấp. Nhưng nếu ai từng ở nước ngoài sẽ thấy, những quả chuối trong siêu thị có giá gấp tới 10 lần giá quả chuối ở chợ Việt Nam. Nhưng tất nhiên có sự khác biệt lớn. Những quả chuối được bày bán trong siêu thị nước ngoài to, đẹp, đều, phải đảm bảo hàng trăm tiêu chuẩn khắt khe về dinh dưỡng, hình thức, an toàn thực phẩm… Điều đó đòi hỏi giá trị của sự đầu tư”.
Khi lãnh đạo và các chuyên gia nông nghiệp của Tập đoàn KDI Holdings đặt chân tới vùng đất Đăk Lăk họ đã tính đến thực hiện một kế họach bài bản, tìm đầu ra tốt nhất cho sản phẩm chuối. Để cải tạo được vùng đất khô cằn Vụ Bổn, bên cạnh đầu tư vào trang trại chuối, KDI còn đầu tư cả hạ tầng, giao thông.
“Mới một thời gian ngắn, tôi đã chứng kiến sự thay đổi rất khác biệt. Những hạ tầng trồng, khai thác chuối với những ròng rọc tự động rất hiện đại, không ít buồng chuối nặng tới 45kg. Tất nhiên, đó mới là sự thành công ban đầu. Để đi đường dài chúng tôi còn phải tiếp tục có những sự đầu tư hơn nữa về mặt kỹ thuật, làm sao cho chất lượng sản phẩm chuối được nâng lên” – Tổng giám đốc KDI Holdings Đỗ Tuấn Anh cho biết.
Tháng 9 năm ngoái, KDA thu hoạch lứa chuối đầu tiên. Khoảng 4.200 tấn chuối được xuất khẩu đến 5 cảng lớn của Trung Quốc là Thiên Tân, Quảng Tây, Quảng Đông, Thượng Hải và Đại Liên. Từ đó đến nay chuối thương hiệu KDA cập bến các thị trường tiềm năng là Hàn Quốc và Singapore.
Theo KDA, lần đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài, thương hiệu chuối của doanh nghiệp đã tạo được uy tín tới người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc về chất lượng của sản phẩm. Với thành công đó, KD Green Farm – đơn vị chủ quản của KDA trở thành doanh nghiệp duy nhất tại tỉnh Đăk Lăk xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đồng thời gây tiếng vang lớn trong nước và các nước trong khu vực như Philippines, Lào và Campuchia.
Năm nay, KDI dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 3 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, KDA đã xuất 160 container với 3.200 tấn chuối chính ngạch.
Ông Kiều Hữu Long, Phó tổng giám đốc Thường trực Công ty Lâm nghiệp Phước An, đơn vị quản lý dự án KDA cho biết, bên cạnh các thị trường tin cậy như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, một số đối tác Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan tâm đến chuối công nghệ cao của tập đoàn. Chuỗi siêu thị nổi tiếng Nhật Bản đã cử nhân sự tới tham quan nông trại KDA, tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất, đóng gói chuối và hài lòng với sản phẩm.
Theo ông Kiều Hữu Long, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lượng trái cây lớn, trong đó hầu hết là trái cây nhập khẩu. Sau Covid-19, cùng với xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật đặc biệt quan tâm tới các mặt hàng nông sản Việt. Chuối, bơ, xoài… là những loại quả được người dân tại Nhật ưa chuộng.
“Đây là một trong những lợi thế để Việt Nam nói chung và KDI Holdings nói riêng đẩy mạnh việc xuất khẩu chuối vào thị trường Nhật Bản”, ông Long nói.
Nông trại chuối KD Green Farm áp dụng mô hình khép kín gồm: trồng cây, thu hoạch, sản xuất. Trong đó phân bón hữu cơ vi sinh làm từ các quả chuối không đủ tiêu chuẩn, cùi chuối và thân cây. Đây cũng được xem là định hướng lâu dài của KDA trong việc hoàn thiện nông trại chuối hữu cơ trong tương lai.
Vụ Bổn – một trong những xã nghèo vùng sâu của huyện Krông Pắk hầu hết cư dân là đồng bào di cư tự do người Cao Lan, Tày, Nùng, Xê Đăng, Vân Kiều, Dao, Mông… quanh năm chật vật gánh nặng mưu sinh. Vùng đất khô cằn sỏi đá, từng được xem là tận cùng núi của Tây Nguyên, đến nay đã trở thành một “ốc đảo” chuối.
Nhiều gia đình công nhân KDA đã có cuộc sống ổn định với nhà cửa khang trang, có tiền cho con trẻ ăn học. “Tất cả những thành quả trong dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên miền đất đỏ Tây Nguyên là cách Tập đoàn KDI Holdings thực hiện lời hứa mang lại những giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống con người. Chúng tôi còn nhiều dự định cho vùng đất này”, Chủ tịch Tập đoàn KDI Holdings Kiều Hữu Dũng nói.
Theo lãnh đạo KDI Holding, sự thay đổi mà KDI muốn tạo ra không chỉ là chất lượng của những quả chuối mà còn là sự đổi thay trong đời sống của người dân vùng Tây Nguyên. Bên cạnh cơ hội về việc làm, họ còn được khai mở nhiều cơ hội khác, tiếp cận một cuộc sống với những giá trị tốt đẹp hơn từ nền tảng của một doanh nghiệp có khát vọng sáng tạo.